Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Trêu tình

Nó hơi cúi mặt, ngón tay dí dí vẽ những đường cong nguệch ngoạc bằng mấy giọt hơi nước rỉ ra từ viên đá lạnh, bám đầy ly café sữa đang uống dở. Nó nở nụ cười – cái kiểu cười nửa nụ vừa làm người ta si mê, vừa khiến người ta ngờ vực. Đó là cách nó trả lời trước câu tỏ tình của một gã đàn ông nào đấy. Thói quen ấy có từ khi nào, nó không còn nhớ rõ, chỉ biết rằng những lúc như thế, cái cách phản ứng lập lờ khiến nó hả hê trong chiến thắng và cũng vơi bớt nỗi kinh tởm đang dâng lên trong lòng.

- Thật sự thì… anh rất muốn được ở bên em, muốn được gặp em suốt ngày… Anh chỉ mong xong công việc để đến bên em…

- Vậy à!

Nó hỏi vu vơ với bộ mặt tỉnh như sáo làm cắt đứt câu nói ngập ngừng, lóng ngóng của gã đàn ông ngồi đối diện. Nó biết Lãm phải khó khăn lắm mới thốt ra được những câu như thế, nhưng với nó thì mọi thứ đã quá quen, quen đến mức nhàm chán và khiến nó gờn gợn trong cổ họng mỗi khi nghe thấy. Như lúc này đây, từ trong thực quản nó dội ngược lên một luồng khí như muốn tống ra ngoài hàng loạt thứ thức ăn nó vừa cho vào trước đó. Người nó quặn lên như một kiểu phản ứng có điều kiện. Vừa nhấp ngụm nước, vừa đảo mắt sang những bàn bên cạnh để tìm thứ gì đó lạ lẫm hơn, thích thú hơn, để nó phân tâm và quên đi cái cảm giác khó chịu đến nổi cả gai óc ấy. Chợt nó chỉ tay về phía bàn đối diện, nơi có một cô gái đang âu yếm ngả đầu vào vai anh chàng ngồi cạnh:

- Anh thấy họ đẹp đôi không?

- Ừm, chắc là họ đang yêu nhau lắm đấy…

- Có thể! Biết đâu anh chàng kia vừa phải nói dối vợ để đến đây tình tự với người yêu. Hay cô gái ấy, có thể vừa ngả vào lòng chàng trai này, nhưng biết đâu được rằng cô lại có thể ngả vào lòng bao nhiêu chàng trai khác nữa… Biết đâu…

Nó bỏ lửng câu nói, mặc cho gã con trai đối diện há hốc mồm vì câu giả thiết kỳ quặc của cô bạn gái. Nó mặc kệ. Nó đang để lòng mình trôi theo những dòng suy nghĩ miên man...

***

Mặt trời xiên qua khe cửa, rơi những giọt nắng đầu tiên xuống nền nhà. Nó vẫn nằm, lăn lóc trong chiếc chăn mỏng cuộn quanh mình. Điện thoại reo ầm ĩ. Nó chẳng buồn nhấc máy vì biết chắc đấy là điện thoại của Toàn, lại ăn sáng, lại café, lại sẽ thao thao đủ thứ chuyện trên đời. Toàn từng trải và lịch lãm, có lẽ trong mắt các cô gái khác, đấy là một mẫu đàn ông lý tưởng. Nhưng với nó, Toàn hay Lãm, hay ai khác nữa thì cũng vậy thôi. Dù vụng dại ngây ngô như Lãm hay sành sỏi trải đời như Toàn thì trong mắt nó, cũng đều mang bản chất của đàn ông. Chẳng rõ nó định nghĩa thế nào về đàn ông, nhưng xem ra có vẻ nó chẳng xem họ ra gì.

Trời hào phóng ban cho nó một khuôn mặt thánh thiện với đôi mắt đẹp lấp lánh nỗi buồn. Chẳng hiểu có thật là lòng nó buồn không nhưng đôi mắt ấy đã hút hồn bao nhiêu chàng trai. Nó chẳng nhận lời yêu ai, nên mặc nhiên nó là người tự do, mặc nhiên nó có quyền đong đưa với bất kỳ gã trai nào. Nó thừa hiểu, chỉ một ánh mắt, một nụ cười úp mở của nó cũng khiến họ mất ngủ mấy đêm liền. Nó là kẻ “đi câu” tài tình, chẳng vồ vập thả mồi, nhưng đã buông câu là không con cá tham mồi nào chịu lội đi chỗ khác. Để rồi khi kéo cần lên, nó lại lạnh lùng gỡ con cá dại dột kia ra khỏi lưỡi câu tình ái, rồi quẳng trả lại cuộc đời, để họ ôm trong lòng vết đau âm ỉ. Những lúc ấy, nó hả hê lắm, dù cũng thoáng chút thương hại.

Có đôi lúc nó ý thức được rằng mình cũng là phụ nữ, cũng sẽ có lúc đi sang cái dốc bên kia của cuộc đời, của nhan sắc, rồi thì sẽ cần một gia đình, một đàn con… Nó không biết bao giờ mới có thể neo đậu vào một bến đỗ để có cái gọi là gia đình. Gia đình ư? Nó khẽ nhếch nụ cười khi nghĩ đến hai tiếng “gia đình”, đến đàn ông, đến tình yêu. Với nó, những thứ ấy như một món hàng xa xỉ hay đúng hơn là một thứ khái niệm giả tạo làm lóa mắt con người. Thực ra là phù phiếm cả thôi! Nó tự nhủ thế và đắc thắng với châm ngôn sống của riêng nó: “Thà ta phụ người, chẳng để người phụ ta”.

Điện thoại lại reo. Nó quờ quạng cầm lấy, nhấn OK rồi lim dim mắt lên tiếng bằng giọng ngái ngủ.

- Em đang ngủ. Có chuyện gì không?

Đầu dây bên kia tiếng Khanh ngọt như mật đang cố nài nỉ nó cùng đi với anh đến buổi tiệc tất niên. Nó ậm ừ, uể oải buông điện thoại xuống giường…

Khanh đỗ xịch xe trước cửa nhà, trố mắt ngạc nhiên, trầm trồ khi thấy nó xúng xính trong chiếc váy hồng. Hôm nay trông nó đẹp lạ. Nó nhoẻn cười, thong thả bước lên xe…

***

Cuộc vui kéo dài mãi đến tận khuya. Khanh đưa nó về trong mùi men sặc sụa. Đây là lần đầu tiên cơ thể nó phải dung nạp thứ thức uống kỳ quái ấy. Người nó nóng bừng bừng, đầu óc quay cuồng. Nó ngã lưng xuống giường, mặc cho Khanh chạy loanh quanh trong nhà tìm cho nó ly nước mát. Nó uống ừng ực rồi thiếp mắt lại…

Trong mơ màng, hình như nó gọi tên Hậu. Nó thấy Hậu ngồi cạnh bên, xoa tay lên đầu nó… Nó quàng tay ôm chầm lấy Hậu. Tự nhiên nó thấy mình khát khao được ôm Hậu trong vòng tay, được gối đầu lên tay Hậu như khi hai người còn là vợ chồng. Niềm khao khát ấy nó đã cố giấu kín bấy lâu, nay bỗng dưng trào ra, mãnh liệt… Nó siết mạnh tay như sợ mất Hậu lần nữa…

Trong phút chốc, những hình ảnh xấu xa về gã đàn ông nó từng gọi là chồng bỗng nhiên vụt mất. Nó không nhớ hắn đã từng làm nó khổ đau thế nào, đã từng làm nó tuyệt vọng thế nào. Nó quên cả cái ngày mà Hậu nhẫn tâm xua đuổi nó, đẩy nó ra khỏi cuộc đời hắn. Nó chẳng nhớ nỗi bao nhiêu lần nó đã khóc vì Hậu thờ ơ lạnh nhạt, vì Hậu thượng chân hạ tay với nó… Nó quên cả việc nó mất Hậu chỉ vì trái tim lạc lối của hắn đã dành cho một cô gái khác…

Nó không kịp nhớ, nó sống thế này, đùa cợt với tình, với đời thế này, cũng chỉ vì nó hận hắn. Nó quên tất cả, vì trong thâm tâm nó vẫn còn yêu hắn! Nó biết như thế…

***

Tiếng trẻ con lao xao nô đùa, tiếng hàng rong inh ỏi vang lên làm nó giật mình. Người nó đau ê ẩm. Khẽ xoay người để xua cơn đau, nó chạm phải một thứ âm ấm như da thịt người. Nó cố mở mắt ra quan sát. Phía bên ngoài, Khanh đang đều đều phả ra những làn hơi thở lẫn mùi men…

Tự nhiên bên ngực trái nó nhói đau. Cố nhớ lại những gì diễn ra hôm qua, cả những gì nó thấy trong mơ màng của đêm trước. Như hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình, nó ôm gối rưng rức khóc…

Nó không khóc vì Khanh. Nó khóc vì biết rằng, đêm qua, Hậu chỉ về trong giấc mơ…

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Công chúa rừng xanh

“Công chúa rừng xanh” – ba mẹ gọi cô như vậy. Mấy người làm đồng thường qua lại nhà cô cũng gọi như vậy. Cô thích lắm. Bởi qua cái màn ảnh tivi nhỏ xíu mà cô hay xem những vở tuồng cải lương, cô biết được gọi là “công chúa” thì sẽ đẹp lắm, đáng yêu lắm. Ngày còn con nít, mỗi khi được gọi như vậy, cô luôn phỗng mũi lên cười, díp cả hai mắt lại. Bây giờ đã ngót nghét hai lăm, cô không còn là con nít, nhưng mỗi lần có ai đó gọi cô bằng cái cách quen thuộc ấy, cô lại cười. Nụ cười có chút duyên thiếu nữ.

Photobucket

Cô lớn lên ở đây đã được mười tám năm, kể từ khi ba mẹ cô làm ăn thất bại, gia đình dời về đây và lập nghiệp với gia tài là căn chòi tranh và hai bàn tay trắng. Cô chia tay trường lớp từ đó, và làm quen với cánh đồng này, con suối này, cả ngọn đồi xanh ngát phía sau nhà nữa. Cô yêu tất cả những thứ ấy, như yêu cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ, như yêu bầy gà con chiu chíp và mấy con trâu đen trui trũi kia. Cô lớn lên bằng hạt lúa trên đồng, bằng mớ rau sau nhà, bằng nắm lá giang trong rừng. Tất cả những thứ ấy gắn với cô như máu với thịt, như lúa với nước, như lũ chim với cái tổ lắt lẻo trên cây mà cô vẫn thấy…

Đồng lúa và rừng xanh nuôi cô lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy chốc cô đã thành thiếu nữ. Không sắc nước hương trời nhưng thân hình tròn trịa, làn da trắng tự nhiên và nụ cười vô tư lự khiến cô trông cứ xinh đẹp phơi phới. Chỉ tiếc là chẳng có ai ngắm nhìn để mà khen ngợi cho nhan sắc của cô. Quanh đi quẩn lại, chỉ có ba mẹ nhìn ngắm đứa con gái tuổi xuân thì rồi nhìn nhau tặc lưỡi như luyến tiếc cho tuổi xuân trôi qua trong thầm lặng. Cũng phải, bởi ngoài mấy cô bác nông dân sáng sáng vác cuốc ra đồng đi ngang nhà chào í ới vài câu thì chẳng ai ghé đến chốn thâm sơn cùng cốc này. Xung quanh nhà cô, nếu đi một vòng xa thật xa cũng khó mà tìm thấy ngôi nhà thứ hai. Nơi đây vốn dĩ là rừng, ba mẹ cô khai phá rồi dựng lên căn chòi, vừa để ở vừa tiện cày cấy mấy đám ruộng phía trước.

Sống lâu dần trong cảnh vắng người, cô cũng đâm ra khù khờ, lặng lẽ, và hình như hơi ngớ ngẩn một chút. Cô vốn ít nói từ nhỏ, càng lớn càng trở nên lẳng lặng. Mà có muốn nói, cô cũng không biết phải nói với ai, nói cái gì. Ba mẹ cô tối mặt tối mũi với mấy đám ruộng quanh năm xanh lúa. Người qua đường thì chỉ vài câu chào hỏi xã giao mà cô đã thuộc lòng: “Ăn cơm chưa”, “đang làm gì đó”... Làm bạn với cô từ nhỏ có lẽ chỉ mấy con trâu và lũ gà. Giá mà chúng cũng biết nói hoặc biết nghe thì cô đỡ phải lủi thủi một mình. Nhưng chúng chỉ biết nghe cô la mắng, quát tháo bằng những mệnh lệnh chỉ dành cho thú vật. Thế nhưng đôi lúc buồn quá, cô cũng lầm bầm nói chuyện với mấy con trâu già, mặc cho chúng có nghe có hiểu hay không. Như vậy còn đỡ buồn hơn là phải lầm bầm một mình hay phải để cái ý nghĩ trong đầu. Lâu dần thành quen, cô hay nói chuyện với mấy con trâu, thỉnh thoảng lại bật cười vì một câu nói hay một ý nghĩ gì bật ra trong đầu. Có người đi ngang thấy cô lầm bầm, ban đầu tưởng cô đang trò chuyện với ai, sau để ý mới biết cô nói với lũ trâu. Họ rỉ tai nhau rằng cô ngẩn ngơ. Mặc kệ. Họ đâu biết, với cô, nói chuyện cùng thú vật còn thú vị hơn việc đáp trả những câu chào hỏi máy móc cũ rích vô nghĩa của họ. Chỉ có ba mẹ cô là lo lo trong bụng. Họ sợ năm tháng đánh cắp mất thì con gái của cô. Họ muốn cho cô ra xóm làng tìm việc gì để làm, vừa tập cho cô biết sống tự lập, vừa giúp cô được tiếp xúc với con người, để còn có cơ hội kiếm một tấm chồng, sinh một lũ con. Ba mẹ cô chỉ mong như thế để họ an tâm khi tuổi về chiều. Nhưng cô nhất quyết không chịu, dù chỉ một bước chân xuống làng cũng không. Cô quen với rừng xanh, quen làm bạn cùng lũ trâu, quen đi hái măng rừng, múc nước suối… Cô quen những thứ thân thuộc ấy. Và cô cũng sợ gặp người lạ nữa. Cô chỉ muốn làm công chúa rừng xanh.

Đất ở đây giờ đã không còn là đất hoang. Người ta chia nhau khai phá, rồi đăng ký quyền sử dụng và nhanh chóng sang tay thương lái để kiếm những khoản tiền kha khá. Bên cạnh nhà cô người ta đang ủi nháo nhào mấy bụi cây rừng. Nghe đâu họ về đây xây dựng nhà máy gạch ngói gì đó. Cả một góc rừng xôn xao hẳn lên vì mấy chục người dựng lều trại để thực hiện cái công trình ấy. Họ lân la sang nhà cô nhờ nấu giúp bữa cơm trưa cho anh em thợ hồ, thợ máy. Cũng chẳng vất vả là mấy, lại thêm vui nhà vui cửa nên mẹ cô ưng thuận gật đầu. Thế là ngày nào nhà cô cũng rộn rịp tiếng cười nói của đám thanh niên trẻ măng, chắc đều trạc tuổi cô cả. Thấy nhà có con gái, trông cũng đáng yêu, lại hiền, nên mấy anh thi nhau chòng ghẹo, khiến cô đỏ mặt như trái gấc chín muồi. Được vài hôm cô cũng quen dần, không thẹn nữa. Nhưng cô chẳng bao giờ dám hé răng bắt chuyện một câu. Vốn không quen giao tiếp, lại kiệm lời, cô không biết phải nói gì, chỉ cười trừ mỗi khi ai đó hỏi thăm hay trêu đùa.

Thanh là thợ lái máy ủi, kiêm luôn quản lý nhóm người làm công trình này. Không đẹp trai nhưng thân hình vạm vỡ và cái miệng nói chuyện duyên ơi là duyên nên Thanh có vẻ nổi trội trong đám thanh niên ấy. Ba mẹ cô cũng rất thích chàng trai nói tiếng bắc trọ trẹ này. Thích thế thôi, chứ nghĩ đến có một chàng rể như thế có lẽ là họ không dám. Lanh lẹ như anh ta thì phải tìm một cô vợ vừa đẹp vừa duyên, vừa khôn ngoan lại vừa biết ăn nói, chứ như cô thì chắc không đời nào dám mơ tưởng đến.

Không biết cô có mơ tưởng gì không, nhưng vẫn thấy cô ít nói và chẳng bao giờ bắt chuyện với ai. Còn Thanh, có lẽ tính vốn xởi lởi nên hết chuyện trò với ba mẹ cô, lại lẽo đẽo theo cô cười cười nói nói. Có hôm anh theo cô đi thả trâu, đi giặt đồ dưới suối, đi hái lá giang trên bìa rừng. Cô làm gì anh cũng bắt tay làm cùng. Ngượng chín cả người nhưng cô chẳng thể từ chối vì anh nhiệt tình quá. Rồi anh bắt chuyện hỏi han đủ thứ. Ban đầu chỉ cười trừ, sau thấy im lặng mãi cũng kỳ nên cô trả lời lấy lệ. Mà phải công nhận là anh ăn nói duyên hết sức. Anh khiến cô cười nhiều hơn, nói nhiều hơn. Những câu chuyện cứ dài ra, dài ra mãi… Có hôm mải nói chuyện mà cô quên cả thả trâu ra đồng, quên cả nồi cá đang kho trên bếp. Hôm nào cô cũng mong đến giờ ăn trưa để lại được trò chuyện với anh, rồi lại mong mặt trời lặn nhanh xuống chân đồi để anh sang nhà uống nước, nói chuyện tầm phào đến khuya lắc khuya lơ. Cô cũng hay thấy anh trong giấc mơ của mình nữa. Khi thì anh cùng cô giặt đồ, khi lại thấy anh nắm tay cô đi trên triền đồi. Những lúc ấy, cô lại giật mình thức giấc, rồi vu vơ mỉm cười. Cô không rõ mình cười vì điều gì nữa.

Thời gian trôi đi nhanh quá, cô vừa kịp quen với việc có anh trò chuyện thì anh sắp phải ra đi. Công trình đã hoàn thành, chỉ chờ bàn giao là bọn anh cuốn lều để nhận một công trình khác. Cô lo lắng nghĩ đến lúc mình phải trò chuyện với mấy con trâu già chỉ vểnh tai nghe mà không hề biết nói. Tự nhiên cô thấy chán ngắt cái đám trâu, lũ gà vì chúng chẳng bao giờ biết trêu để cô cười. Lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy lo nhiều như vậy. Cô lo thì lo, anh vẫn phải đi. Ngày mai đã là ngày cuối cùng anh ở lại xóm núi heo hắt này. Vậy là chỉ còn hôm nay cô được trò chuyện, được dung dăng cùng anh đi hái rau rừng, đi thả bầy trâu.

Tay bưng rổ lá giang, cô cố tỏ ra bình thản dù biết rằng chân mình muốn run bắn lên, tay thì quờ quạng mà chẳng hái nổi cái lá giang bé xíu xiu vắt vẻo trong lùm kia. Cô muốn nói với anh nhiều lắm, muốn dặn dò anh đủ thứ, muốn anh đừng quên cô… nhưng cô như ăn phải thứ thuốc độc làm lưỡi cứng đơ, môi cố mở ra mà lại càng khép chặt lại hơn. Hình như cô sắp khóc. Chưa kịp để giọt nước mắt đầu tiên rơi trên khóe mi cô, anh đã mạnh dạn đưa bàn tay rắn chắc đen sạm nắm lấy tay cô. Cô toan rụt lại, nhưng lại thôi. Bỗng dưng cô sợ mất cánh tay này quá. Cô sợ, nên chỉ lặng thinh mặc cho tay anh siết ngày càng chặt hơn. Làn hơi ấm trên người anh lan sang người cô, hơi thở anh phà vào mặt cô nóng hổi. Cô lặng người đi, vừa vì bất ngờ, vừa vì xúc động. Anh thỏ thẻ gì đó vào tai, nhưng tai cô đã ù đi, chỉ còn nghe loáng thoáng hình như là anh bảo anh yêu cô, bảo rằng cô hãy đợi anh về cưới cô làm vợ. Anh nói nhiều lắm, nhưng cô thì chỉ gật đầu lia lịa mà không hiểu mình gật đầu vì điều gì nữa. Đột ngột, anh ôm cô vào lòng, ghì chặt như thể sợ mất cô. Cô thoáng sợ khi lần đầu tiên bàn tay đàn ông ôm lấy cơ thể nóng hổi của mình. Nhưng cô không phản kháng, không hiểu vì bản năng hay vì tình yêu, cô đưa tay ra sau lưng anh, ôm chặt. Nắng chiều ngả xuống xiên xiên qua đám lá rừng. Môi anh nóng hổi áp vào môi cô. Cô sắp tan chảy ra trước những điều mới mẻ, quá mới mẻ… Anh dìu cô ngồi xuống, tựa lưng vào gốc dầu to. Lá rừng dưới chân xào xạc…

Anh ra đi đã hơn ba tháng. Cái bụng cô cũng lúp xúp căng lên sau làn áo mỏng. Vậy là ba mẹ cô sắp có cháu ngoại, dù chưa có một chàng rể nào và cũng không có cái lễ trầu cau cho đỡ tủi mày tủi mặt. Dù biết rõ mồn một cha đứa bé là ai, nhưng ông bà không nhắc môt lời nào, và cũng chẳng nỡ quở trách con gái hư thân hay dại dột. Còn cô, với niềm tin mãnh liệt vào anh, với tình thương vô hình dành cho cái bào thai đang thành hình, cô thấy đời mình phơi phới đẹp. Cô hết lầm lỳ, hết nói chuyện với trâu. Cô chuyển sang nói chuyện với con – đứa con vẫn còn trong bụng mẹ mà cô chưa biết là trai hay gái. Rồi cô mơ màng nghĩ đến lúc sẽ sinh ra đứa trẻ giống hệt mình, hay giống hệt anh. Cô sẽ đặt tên nó thế nào nhỉ? Nếu là con gái, cô sẽ gọi là công chúa rừng xanh, giống ba mẹ đã gọi cô vậy. Nếu là con trai? Cô nghĩ mãi mà chưa biết phải đặt tên gì. May mắn cho cô, đứa con vừa hạ sinh giống cô như đúc, là một đứa con gái. Vậy là đã có một công chúa rừng xanh con cho cô ẵm bồng để chờ ngày anh trở lại. Dù ngày đó cô không biết là xa hay gần…

Con gái cô đã biết đi, biết nói. Hai mẹ con cô chuyện trò bi bô suốt cả ngày. Vậy là đã có người cười với cô, đùa với cô… Nhưng cô vẫn không quên ngóng ra ngõ mỗi ngày để chờ đợi anh thực hiện cái điều anh đã hứa: sẽ trở lại và cưới cô làm vợ. Cô đã trông như thế hơn ba năm ròng. Cô tin là anh sẽ về. Cô truyền niềm tin ấy cho con, để chiều chiều hai mẹ con lại thơ thẩn đi dọc con đường xanh màu cỏ, thơ thẩn nhìn hoàng hôn buông xuống, rồi lẽo đẽo kẻ trước người sau quay về căn nhà nhỏ cheo leo nơi vách rừng…


Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

“Sao hai đứa lại phải chịu đau…”


Một tối mười bốn, tôi lẽo đẽo vào chùa thắp vài nén nhang cầu an cho gia đình. Chùa đông đến ngẹt thở. Vốn không quen cảnh chen lấn chật chội, lại thêm khói nhang cay xè mắt mũi, tôi đành lang thang ra sân chùa ngồi hóng mát, đợi khi tan hẳn cái cảnh đông đúc kia sẽ vào chánh điện đốt hương và xin lộc.


Sân chùa đêm thơm ngát mùi hoa sứ, hoa nhài, xen lẫn mùi trầm tạo nên một thứ hương vị rất đặc trưng. Tôi cố căng lồng ngực để hít đầy buồng phổi thứ hương thơm đậm chất thiền ấy. Tôi lim dim mắt, mặc cho cảm giác thư thái đang mơn man khắp đầu óc. Chợt tiếng trẻ con cười tíu tít khiến tôi giật mình. Dưới gốc cây sứ già, hai đứa bé, một chừng 10 tuổi và một nhỏ hơn đôi chút, đang oẳn tù tì. Thằng lớn thắng. Nó nhặt cành cây khô cỡ ngón tay út, dài gần bằng thân người, rồi nói với cô gái nhỏ: “Anh cầm roi đuổi em, nếu bắt được em, anh sẽ đánh em một cái. Xong rồi sẽ đến lượt em đuổi anh…”. Cô bé cười gật đầu. Hai đứa bắt đầu trò chơi. Một trai một gái nối đuôi nhau chạy vòng quanh gốc cây sứ, rồi lại rẽ sang mấy khóm hoa nhài. Tiếng cười trong trẻo vang một góc sân.


Bỗng tiếng cười chưa kịp tắt, tiếng khóc ré lên làm ai nấy đều giật mình. Thì ra cô bé bị thằng anh đuổi kịp, sẵn đà đưa cây roi quất vào chân cô bé. Thế là nước mắt ngắn nước mắt dài thi nhau đổ ra trên khuôn mặt trẻ thơ. Thằng anh mặt tái mét, vội chạy lại bên cô bé, nói như van xin: “Anh xin lỗi. Giờ anh đưa roi em nè. Em cứ đánh anh, bao nhiêu cũng được…”. Cô bé vẫn không nín khóc, nhưng lấy tay gạt nước mắt, nói mếu máo: “Tại sao hai đứa lại phải chịu đau như thế. Em không muốn anh bị đau giống em đâu…”. Thằng anh trở giọng năn nỉ: “Vậy em nín đi, em khóc làm anh muốn khóc theo nè. Đừng khóc nữa nha em…”. Cậu bé kéo vạt áo lau nước mắt cho cô em. Gương mặt vẫn còn lem nhem nước mắt, nhưng con bé đã mỉm cười. Nụ cười trong trẻo lạ thường…


Hai đứa trẻ lại tíu tít chơi những trò trẻ thơ… Riêng tôi vẫn chưa thoát khỏi những câu nói vô tình của hai đứa trẻ…


“Sao hai đứa lại phải chịu đau.” – câu nói vô tình của cô bé ám ảnh tôi mãi. Câu nói ấy thốt ra từ khuôn miệng bé xinh của một đứa trẻ chưa đến tuổi lên 10 – đứa trẻ vô ưu, vô tư, và dĩ nhiên chưa nếm trải mùi đời. Câu nói đơn giản như chân lý mà hình như, người lớn chúng ta, vì mải lo những việc quá lớn lao mà vô tình quên mất. Khi người ta là trẻ con (như hai đứa trẻ kia), có lẽ họ cũng biết chia sẻ với nhau những nỗi đau, biết nhận lãnh trách nhiệm về mình, biết tìm cách xoa dịu hậu quả… Và cao hơn hết, có lẽ họ cũng biết dành cho nhau những yêu thương chân tình như cô bé kia vậy. Có lẽ trái tim trong trắng tuổi hoa niên không có khái niệm “trả thù”. Lúc ấy, cuộc đời có lẽ vẫn đẹp như trang giấy trắng…


Nhưng… tôi bàng hoàng khi nghĩ đến sự khác nhau đến chóng mặt giữa người lớn và đứa trẻ. Đứa trẻ có thể thoái thác lời đề nghị “trả đũa” với câu nói giản đơn: “Sao hai đứa lại phải chịu đau”, người lớn thì tìm mọi cách “ăn miếng trả miếng” nhau với hàng ngàn lập luận chẳng hề đơn giản. Trẻ con có thể vô tư nhận lãnh trách nhiệm trước lỗi lầm của mình, sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả, người lớn thì không: họ tìm cách né tránh, chạy tội, dùng mọi thủ đoạn miễn sao phần thiệt không thuộc về mình. Và có lẽ còn nhiều lắm những điều khác nhau giữa trẻ con và người lớn, nhưng chúng ta không nên mang ra cán cân để mà so sánh nữa. Bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng, và người lớn luôn có những lý do riêng…


Vâng, ai cũng có những lý do để sẵn sàng bao biện cho mọi hành động của mình. Nhưng tôi không hiểu những lý do ấy có thật sự là lời giải thích chân thành? Tôi không biết, bởi tôi cũng đang có những lý do riêng cho cuộc sống của mình: những lý do chân thành lẫn ngụy tạo…


Tôi chợt thầm ước: “Giá một lần được trở lại tuổi thơ, để được nhìn đời qua lăng kính màu hồng, để thấy đời luôn trong trẻo…”. Nhưng có lẽ giấc mơ chỉ trôi qua bâng quơ trong trí óc, bởi tôi đã không còn đủ trẻ để quay về tuổi thơ lần nữa…

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Kính lạy Đức Phật...

A Di Đà Phật! Chắc Người ngồi cao trên chín tòa sen sẽ mãn nhãn lắm khi thấy chúng sinh đang hướng về Người để lầm rầm khấn vái? Chắc Người sẽ mỉm cười mãn nguyện khi nghĩ rằng họ đã “giác ngộ” trước lời răn dạy của Người! Kính lạy Đức Phật! Con là người phàm mắt thịt e không hiểu nổi những phép nhiệm màu ở chốn thần tiên, con cũng không hiểu các Ngài sẽ làm gì với những lời khấn nguyện của chúng sinh, nhưng có những điều bé nhỏ rất Con Người làm con suy nghĩ mãi…

Photobucket

Thưa Đức Phật, khắp trần gian có lẽ ai cũng biết đến ngày Vu Lan đại lễ - ngày xá tội vong nhân – ngày rằm tháng bảy. Con không rõ lắm cái tích xưa về Mục Kiền Liên, con chỉ hiểu nôm na Vu Lan là ngày Báo hiếu cho Đấng Sinh thành. Nhưng con băn khoăn quá, không biết chúng sinh ngày nay hiểu gì về ngày Vu Lan này nhỉ? Một dịp để người ta vui vẻ trẩy hội? Một ngày hội viếng chùa? Một ngày để thể hiện lòng từ bi? Con trần tục quá nên nghĩ mãi mà chưa thật sự hiểu những điều ấy, Đức Phật ạ!

Con không sùng tín, không mộ Đạo, cũng không ghét bỏ thứ gọi là tín ngưỡng. Trong mắt thiên hạ, con là đứa con gái hơi ương bướng pha chút ngang tàng, và có lẽ trong mắt Người, con cũng là một chúng sinh khó bảo? Bởi con thi thoảng cũng vãn cảnh chùa nhưng ít khi sì sụp lạy Người trong lớp thịt da bằng sứ đang tọa ngất ngưỡng nơi chánh điện. Đơn giản, con viếng chùa chỉ để tìm đến một nơi an lành thánh thiện, để con tịnh tâm và suy ngẫm chuyện đời. Nhưng, A Di Đà Phật! Người có biết không, trần gian dạo này lạ lắm, có lẽ cũng không giống cái thời mà Người còn ở hạ giới đâu nhỉ!

Con nhớ như in lần viếng chùa năm trước. Đấy là một ngôi chùa có tiếng ở TP.HCM nên ngày rằm, mồng một, khách viếng đông nườm nượp. Sùng tín có, mê tín có, a dua có, và dở dở ương ương như con cũng nhiều. Cổng chùa rộng mở, con bước vào với một chút tôn kính dành cho nơi trang nghiêm. Mùi nhang thơm tỏa ra nồng cả mũi, cay xè cả mắt. Nước mắt ròng ròng nhưng con cũng cố gạt đi để có thể len lỏi qua những đám người đang cúi đầu kính cẩn trước Người. Dạo một vòng chùa, con ngỡ ngàng khi chẳng thấy bóng sư sãi đâu cả, nhưng tiếng tụng kinh cứ vang vang phát ra từ những chiếc loa chễm chệ nơi các góc cột to đùng. Con thắc mắc và tìm được lời giải đáp khi có tiếng ai đó nói khe khẽ phía sau lưng: “Máy phát đấy, ai sức đâu mà ngồi tụng niệm cả ngày!”. A Di Đà Phật! Người có thấy trần gian cũng lắm phép màu không?


Photobucket

Nhưng con vẫn cố sức kiếm tìm cho bằng được một vị sư sãi nào đấy để an tâm rằng người ta không dùng người máy hay đại loại là một công cụ hiện đại nào khác để trông nôm nhà chùa. Trời không phụ lòng người, cuối cùng thì con cũng tìm được một người mặc áo cà sa, đầu nhẵn bóng, đang ngồi ghi ghi chép chép gì đó bên cạnh thùng từ thiện. Lạy trời, Người đừng bảo với con là ngôi chùa lớn thế này chỉ duy nhất có một sư thầy đây và duy nhất với mỗi nhiệm vụ lớn lao là… giữ thùng từ thiện!

Hơi hụt hẫng, con đành lẽo đẽo ra về. Chưa ra khỏi cổng chùa, con đã giật bắn người khi có một bàn tay đâu đó tát mạnh vào sau gáy con. Sau vài phút định thần con mới hiểu mình vừa bị giật mất sợi dây chuyền vàng. Con tặc lưỡi: xem như vừa bố thí cho chúng sinh thôi mà!

Năm nay con lại lang thang… ngoài cổng chùa, để xem chúng sinh nô nức trẩy hội Vu Lan. Con thấy ai nấy đều mang vẻ mặt đầy thánh thiện, ai nấy đều cố làm những việc rất đỗi từ bi, nhưng sao bỗng dưng con chạnh lòng quá đỗi! Lạy Phật! Con vẫn là con người của trần gian nên hay nghĩ vu vơ lắm Người ạ!

Đi chùa, dĩ nhiên ai cũng phải có nén nhang dâng lên Đức Phật để tỏ lòng thành và cũng để làn khói trắng mơ hồ mang những ước niệm đến tai đấng linh thiêng. Và dĩ nhiên cảnh chèo kéo mời mọc lại diễn ra y hệt như bao nhiêu mùa lễ Phật trước đây, con chẳng lấy gì làm lạ nữa. Nhưng tự dưng con không biết gọi đây là cổng chùa hay là chợ nữa, vì con thấy nó cũng đủ tiêu chuẩn để gọi là một cái chợ lắm chứ! Cũng kẻ bán người mua, cũng kỳ kèo mặc cả, cũng tranh mua giành bán ì xèo…


Photobucket

Thôi con không bận tâm đến cái chợ-chùa ấy nữa. Con đến đây không phải để bận tâm những điều vớ vẩn như thế. Con đang muốn tìm hiểu xem người ta làm gì vào cái ngày đại lễ này đây. Nhìn làn khói trắng nghi ngút bốc ra từ hàng trăm hàng nghìn nén nhang đang cháy sáng, cùng với vẻ mặc niệm đầy cung kính của tha nhân, con biết họ đang nghĩ đến những người thân nơi chín suối, đang cầu mong cho họ những điều tốt đẹp dưới cửu tuyền. Con thầm ngợi khen đức hiếu nghĩa của họ, nhưng chợt nhớ không biết trước khi đến đây, họ có kịp quét dọn trang hoàng lại bàn thờ cha mẹ, có kịp thắp nén nhang thơm cho người khuất mặt đỡ tủi thân nơi chín suối? Trước khi vào chùa, không biết họ có kịp ghé thăm mồ mả vong nhân để vén bụi cỏ mọc lan hay trồng thêm chậu hoa cho căn nhà mồ bớt phần hiu quạnh? Tự nhiên con thấy băn khoăn quá, thưa Đức Phật!


Photobucket

Xong phần lễ Phật, người ta kéo nhau đi mua chim phóng sinh. Những chú chim tội nghiệp, con thì nhảy nhót líu lo, con ngã liêu xiêu vì người mua cứ thả nó ra, rồi người bán lại bắt nó trở vào lồng. Trông mặt người nào cũng đầy vẻ mãn nguyện. Người mua mãn nguyện vì làm được một việc tốt: trả những chú chim vô tội về với trời xanh (họ đâu biết chính vì nhu cầu làm việc thiện ấy của họ mà bọn chúng mới bị giam cầm thế này!). Người bán thì mãn nguyện vì trong thoáng chốc đã kiếm được khối tiền lời. Hình như tất cả họ đều mãn nguyện khi bước vào cổng chùa và làm những việc họ thích… Chỉ có con là lại suy tư, Người à! Con tự nhủ: với những khoản tiền nho nhỏ mà họ bỏ ra để đổi lấy lũ chim vô tội ấy, nếu là con, con sẽ để lại trong túi mình… để không phải kỳ kèo dăm ba đồng lẻ khi mua mớ rau con cá, để con không tiếc từng đồng khi sắm sửa chiếc áo mới cho ba hay mua cho mẹ vài viên thuốc bổ. Người đừng bảo con ích kỷ, đừng bảo con không quảng đại, vì con là người phàm mắt thịt và con chỉ có tấm lòng bé nhỏ của con người!


Photobucket

Rồi người ta chen nhau đi mua vàng mã để gởi xuống tuyền đài cho người đã khuất. Nào xe máy, nào nhà lầu, nào quần nào áo… Người chết chắc là sung sướng lắm khi nhận được những món quà của lòng hiếu thảo ấy. Nhưng con lo quá, không biết họ có biết cách dùng những thứ xa xỉ ấy không, vì có thể khi còn sống họ chưa bao giờ được nhìn thấy chúng, chưa bao giờ được sờ vào chúng. Có thể lắm chứ! Có thể sinh thời họ cũng rất thèm thuồng những món ấy, nhưng vì mải lo cho con nên chẳng dám sắm sửa cho mình, hoặc vì con cái họ mải bon chen cơm áo mà quên bận tâm đến những khát khao tội nghiệp kia… Chao ôi nhân thế! Con chợt nhớ đến câu thơ (?) mà chẳng biết ai vô tình sáng tác: “Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi”.


Photobucket

Ôi nhân gian còn ngàn vạn điều làm con phải suy nghĩ, nhưng con sẽ không suy nghĩ nữa. Âu đó cũng là chuyện của đời, của thiên hạ, của tha nhân. Con là người trần mắt thịt e là không thể nào hiểu thấu. Con chỉ là hạt cát trong sa mạc-người mênh mông này, nên con chỉ biết vun vén cho những gì thuộc về mình thôi. Cha mẹ mình, anh em mình, những người thân yêu của mình… Bấy nhiêu cũng đủ để con mãn nguyện rồi, Người ạ!

Con giật mình khi cô bé lạ hoắc đến bên cạnh, đang lăm le cài lên ngực áo con một đóa hoa hồng. Con hãnh diện nhận đóa hồng đỏ thắm từ tay cô bé, và không quên đáp trả bằng hai tiếng “cảm ơn”.

Con rảo bước quay về, lòng nhẹ tênh vì vừa trút bỏ hết những âu lo trần thế. Con đang nghĩ đến đóa hoa trên ngực áo… Thưa Đức Phật, nếu Người hiển linh xin phù hộ cho Cha Mẹ con được An khang, mạnh khỏe! A Di Đà Phật…

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Những giấc mơ không thực


Nửa đêm tỉnh giấc, chị biết mình lại mơ. Những giấc mơ cứ trở đi trở lại gần mười năm nay. Giấc mơ ám ảnh trong tiềm thức chị. Giấc mơ mà chị biết không thể nào thành sự thật.


Chị mơ thấy ba trở về với gia đình chị. Vẫn dáng đi khập khiễng với cây gậy tre cũ mòn, lên màu láng bóng. Chị thấy mình đang tíu tít bên ba. Ba vẫn như xưa với ánh mắt sâu thẳm, với hàng râu cong vút uốn lượn trên môi. Chị nhớ ngày xưa, bọn chị rất nghịch, cứ vặt từng sợi râu trên mặt ba, rồi cười nắc nẻ khi ba chun mặt lại giả vờ ra vẻ đau khổ lắm. Giờ chị lại thấy mình đang ra sức kéo những sợi râu ấy, rồi phá ra cười. Hình như trong mơ cười to quá nên chị giật mình. Chị sực tỉnh. Chị biết giờ đang là nửa đêm. Và chị vừa gặp lại giấc mơ đã cũ, cũ lắm rồi…


Ba đi năm chị vừa tròn mười bảy. Thấm thoát chị đã bước gần sang tuổi ba mươi – cái tuổi có thể gọi là đã đi hết nửa đời người. Sắp hết nửa cuộc đời mà chị vẫn còn những điều ngớ ngẩn như cái tuổi mười tám đôi mươi đã trôi qua cách đây gần mười năm. Chị vẫn hay khóc hay cười trước những cảm xúc của chính mình. Chị vốn mau nước mắt. Cả nhà đều biết tính chị nên hình như cũng không chú ý lắm đến lý do những lần chị khóc. Mà cũng phải, bởi đôi khi chị khóc vì những lý do cũ rích. Như chị đã từng khóc sau những giấc mơ của mười năm qua vậy.


Chị còn nhớ như in cái ngày ba khăn gói ra đi. Ngày đó chị còn nhỏ quá, nên không hiểu ba ra đi vì lý do gì. Chỉ đọc được trong mắt ba chút thanh thản sau vẻ khắc khổ thường ngày. Còn mẹ, không rõ là buồn hay vui mà lẳng lặng gấp cho ba mấy bộ quần áo, không quên nhét vào hông giỏ xách chai dầu gió xanh và cái khăn mặt ba vẫn hay dùng. Vậy là ba đi thật. Đã hơn chục lần ba ra đi, nhưng là những chuyến đi chơi vài ngày để giải khuây. Lần này là thật rồi. Ba mang theo lỉnh kỉnh một mớ đồ. Hình như đêm trước ba và mẹ thức thật khuya để bàn bạc gì đó. Khi chị len lén nhìn vào, chỉ thấy hai người lặng im với ánh mắt đăm chiêu. Mày ba nhíu lại, hằn sâu những vệt buồn trên trán. Khuôn mặt mẹ như giãn hết cơ ra, chùng xuống trông đến thiểu não.


Cả đêm đó chị không chợp mắt. Chị thấy lo lo, vì linh cảm ba và mẹ đang giấu các con điều gì đó. Chị hồi hộp chờ trời sáng. Rồi chị bồi hồi nhớ lại buổi tối hôm trước. Đó là lần đầu tiên kể từ khi ba đổ bệnh, gia đình chị được quây quần bên nhau. Ba và mẹ ngồi bình an trên chiếc ghế dài trong phòng khách. Chị và hai đứa em nhỏ tíu tít hết ngồi vào lòng ba lại quay sang mẹ líu lo nói cười. Lúc ấy chị thấy ba mỉm cười. Mẹ cũng cười. Chị lớn nhất trong ba chị em, nên nhường cái đặc ân được ngồi vào lòng ba, lòng mẹ cho cu Tí và cái Út. Chị chen vào khoảng trống giữa ba và mẹ, hai tay quàng lấy tay hai người bên cạnh. Lặng lẽ, chị buông nụ cười hạnh phúc. Chị đang hạnh phúc thật.


Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc. Một khoảnh khắc quá ngắn ngủi cho mười năm dài đằng đẵng phía sau. Khoảnh khắc khiến chị nhớ mãi trong đời và ám ảnh vào cả những giấc mơ – những giấc mơ mà chị biết sẽ không bao giờ là sự thật.


Ba đi. Cái giỏ xách mẹ soạn cho ba hôm trước hình như quá nặng trên vai ba. Ba quàng nó vào vai phải, bên vai còn mạnh trên nửa thân người không bị liệt. Còn nửa kia chỉ ngoan ngoãn nhấc theo một cách khó khăn. Cái gậy tre ba cầm bên tay phải, nhịp nhàng theo những bước chân. Chị đứng bần thần nhìn ba từ phía sau. Trông ba cứ như là đang đi bằng ba chân vậy, vừa lạ vừa làm chị nhói lòng.


Chiếc xe ôm chở ba chạy khuất xa dần, xa dần. Chị ngóng theo. Hai đứa nhỏ ngóng theo. Mẹ đứng sau chái bếp, một tay cầm bao thuốc lá ba để quên, một tay vin vào cánh cửa như sợ ngã. Ba đi rồi. Nhà chị vắng teo, lặng ngắt không tiếng nói. Một người đàn bà và ba đứa trẻ - rồi đây, chị biết, gia đình chị sẽ phải sống khác đi nhiều…


Chị bắt đầu những ngày tháng không có cha. Căn nhà vắng bóng đàn ông hình như lạnh hơn. Không còn mùi thuốc lá hăng hắc nồng từng làm chị khó chịu. Mẹ không còn càu nhàu mỗi khi huơ chổi lùa từng đám tàn thuốc rơi vãi trên sàn nhà. Nhà vắng teo. Ba chị em thay nhau đến trường. Mẹ vắng nhà nhiều hơn, vì gánh hàng mẹ bán hình như đầy hơn một chút, nặng hơn một chút. Đương nhiên rồi – bởi mẹ đã trở thành trụ cột gia đình. Gánh nặng cơm áo, học hành cho ba đứa con, ba đã trao lại mẹ. Có lúc chị sợ mẹ gánh không nổi nữa, vì sức người đàn bà sắp bước sang tuổi năm mươi có lẽ không còn đủ mạnh để gánh trên vai gánh nặng của cả một gia đình với đám con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bọn chị đang ở vào cái tuổi vô lo. Chị lớn nhất cũng chưa học hết cấp ba. Không biết hai đứa em có hiểu thấu những nhọc nhằn của mẹ không, riêng chị thì rất hiểu. Hiểu nhiều lắm, nhưng không làm được gì. Chị mới mười bảy tuổi. Và chị được đặt lên vai trọng trách nặng nề: phải cố học cho thành tài, để sau này không phải khổ như mẹ! Đó là lời dặn dò mà mẹ lặp đi lặp lại đến nỗi chị thuộc lòng từng lời. Chị thương mẹ. Chị cố gắng học thật nhiều, thật nhiều…


Chị vào đại học. Gánh nặng oằn vai mẹ nhiều hơn. Dạo đó chị cũng vừa phát hiện lưng mẹ hơi cong cong, nhưng không hiều vì năm tháng hay vì đôi quang gánh cuộc đời đã đè nặng lên vai. Mẹ vẫn một mình lo cho ba đứa con thơ đang mỗi ngày một lớn. Có lúc chị thoáng nghĩ đến ba, chị ao ước giá mà có ba ở nhà để sẻ chia với mẹ, dù chỉ là sẻ chia trong tinh thần. Nhưng ba vẫn bặt tăm. Chị hỏi mẹ về ba. Mẹ chỉ buồn buồn: “ Ba con cần có cuộc sống riêng để ông ấy thoải mái tinh thần. Sống ở nhà chật vật quá, lại phải lo lắng cho tụi con, mà ổng bệnh nữa, có lo được gì đâu. Ở nhà chỉ thêm buồn…”. “Nhưng mấy năm rồi sao ba không về thăm tụi con hả mẹ?”. Mắt mẹ đượm buồn, xa xăm: “Ba con bệnh, đi lại khó khăn. Các con lớn một chút rồi qua thăm ba, lo cho ba bây…”. Mẹ lặng im suy nghĩ. Chị không hiểu mẹ nghĩ gì, chỉ thấy nhớ ba kinh khủng.


Gần mười năm rồi, có bao giờ chị không nhớ ba. Nhưng chị không dám nói, không dám kể với ai. Chị sợ mẹ buồn, chị sợ mẹ phải giấu những nỗi đau vào lòng. Vậy là chị ôm nỗi nhớ một mình. Chị đem nỗi nhớ vào những giấc mơ. Những giấc mơ cứ trở đi trở lại trong niềm khát khao tột cùng của chị. Chị mong ba lại trở về. Chị mong mái nhà lại có ba như ngày xưa. Chị mong mỗi sáng thức dậy lại thấy ba ngồi lắt lẻo trên võng hút thuốc, chốc chốc lại huơ cây gậy đuổi mấy con gà ngỗ ngáo đang chực chạy vào nhà. Chị chỉ mong thế thôi. Niềm mong ước quá nhỏ bé và giản dị nhưng chị biết sẽ không bao giờ thành sự thật. Chị biết đằng sau lời giải thích của mẹ luôn ẩn chứa những nỗi niềm được giấu che rất kỹ. Hay “chuyện người lớn” luôn rắc rối và khó hiểu hơn chị nghĩ? Chị cũng không muốn tìm hiểu nữa. Chị chỉ biết khát khao của mình là vô vọng, bởi mẹ và ba không bao giờ hiểu được giấc mơ thầm kín của chị. Chị vẫn không dám kể ai nghe về giấc mơ của mình…


Đêm nay chị lại mơ. Chị lại thấy ba và cây gậy tre đầu cong cong, bóng loáng màu năm tháng. Ba đang chống gậy, khập khiễng bước ra sau nhà đuổi lũ gà phá phách. Bỗng chân ba vướng vào hòn gạch nhỏ, người ba chao đảo, luống cuống chực ngã. Chị bổ nhào đến bên ba, ôm lấy ba, cố hết sức níu ba lại cho khỏi ngã. Hai chân quẫy đạp như cố chạy làm chị giật mình. Chị biết mình lại mơ. Chị đưa tay kéo xịch chiếc gối đã lệch khỏi đầu, chợt thấy ươn ướt. Hình như chị khóc. Có lẽ chị khóc từ trong giấc mơ, khóc vì thương ba. Rồi chị khóc thật. Nước mắt lăn nóng hổi từ khóe mắt, đi qua gò má rồi đổ dồn về phía tai, thấm xuống gối. Lần này chị khóc vì thương mẹ, thương chị, và thương cả giấc mơ không bao giờ thực.


Chị trở mình, thiêm thiếp ngủ để lại gặp những giấc mơ. Nếu không thể là hiện thực thì chị sẽ sống trong mơ. Ít ra, lúc đêm về, trong những cơn mộng mị, chị sẽ được sống lại cái cảm giác có ba ở trong nhà.


Đêm 13/08/08