Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

“Sao hai đứa lại phải chịu đau…”


Một tối mười bốn, tôi lẽo đẽo vào chùa thắp vài nén nhang cầu an cho gia đình. Chùa đông đến ngẹt thở. Vốn không quen cảnh chen lấn chật chội, lại thêm khói nhang cay xè mắt mũi, tôi đành lang thang ra sân chùa ngồi hóng mát, đợi khi tan hẳn cái cảnh đông đúc kia sẽ vào chánh điện đốt hương và xin lộc.


Sân chùa đêm thơm ngát mùi hoa sứ, hoa nhài, xen lẫn mùi trầm tạo nên một thứ hương vị rất đặc trưng. Tôi cố căng lồng ngực để hít đầy buồng phổi thứ hương thơm đậm chất thiền ấy. Tôi lim dim mắt, mặc cho cảm giác thư thái đang mơn man khắp đầu óc. Chợt tiếng trẻ con cười tíu tít khiến tôi giật mình. Dưới gốc cây sứ già, hai đứa bé, một chừng 10 tuổi và một nhỏ hơn đôi chút, đang oẳn tù tì. Thằng lớn thắng. Nó nhặt cành cây khô cỡ ngón tay út, dài gần bằng thân người, rồi nói với cô gái nhỏ: “Anh cầm roi đuổi em, nếu bắt được em, anh sẽ đánh em một cái. Xong rồi sẽ đến lượt em đuổi anh…”. Cô bé cười gật đầu. Hai đứa bắt đầu trò chơi. Một trai một gái nối đuôi nhau chạy vòng quanh gốc cây sứ, rồi lại rẽ sang mấy khóm hoa nhài. Tiếng cười trong trẻo vang một góc sân.


Bỗng tiếng cười chưa kịp tắt, tiếng khóc ré lên làm ai nấy đều giật mình. Thì ra cô bé bị thằng anh đuổi kịp, sẵn đà đưa cây roi quất vào chân cô bé. Thế là nước mắt ngắn nước mắt dài thi nhau đổ ra trên khuôn mặt trẻ thơ. Thằng anh mặt tái mét, vội chạy lại bên cô bé, nói như van xin: “Anh xin lỗi. Giờ anh đưa roi em nè. Em cứ đánh anh, bao nhiêu cũng được…”. Cô bé vẫn không nín khóc, nhưng lấy tay gạt nước mắt, nói mếu máo: “Tại sao hai đứa lại phải chịu đau như thế. Em không muốn anh bị đau giống em đâu…”. Thằng anh trở giọng năn nỉ: “Vậy em nín đi, em khóc làm anh muốn khóc theo nè. Đừng khóc nữa nha em…”. Cậu bé kéo vạt áo lau nước mắt cho cô em. Gương mặt vẫn còn lem nhem nước mắt, nhưng con bé đã mỉm cười. Nụ cười trong trẻo lạ thường…


Hai đứa trẻ lại tíu tít chơi những trò trẻ thơ… Riêng tôi vẫn chưa thoát khỏi những câu nói vô tình của hai đứa trẻ…


“Sao hai đứa lại phải chịu đau.” – câu nói vô tình của cô bé ám ảnh tôi mãi. Câu nói ấy thốt ra từ khuôn miệng bé xinh của một đứa trẻ chưa đến tuổi lên 10 – đứa trẻ vô ưu, vô tư, và dĩ nhiên chưa nếm trải mùi đời. Câu nói đơn giản như chân lý mà hình như, người lớn chúng ta, vì mải lo những việc quá lớn lao mà vô tình quên mất. Khi người ta là trẻ con (như hai đứa trẻ kia), có lẽ họ cũng biết chia sẻ với nhau những nỗi đau, biết nhận lãnh trách nhiệm về mình, biết tìm cách xoa dịu hậu quả… Và cao hơn hết, có lẽ họ cũng biết dành cho nhau những yêu thương chân tình như cô bé kia vậy. Có lẽ trái tim trong trắng tuổi hoa niên không có khái niệm “trả thù”. Lúc ấy, cuộc đời có lẽ vẫn đẹp như trang giấy trắng…


Nhưng… tôi bàng hoàng khi nghĩ đến sự khác nhau đến chóng mặt giữa người lớn và đứa trẻ. Đứa trẻ có thể thoái thác lời đề nghị “trả đũa” với câu nói giản đơn: “Sao hai đứa lại phải chịu đau”, người lớn thì tìm mọi cách “ăn miếng trả miếng” nhau với hàng ngàn lập luận chẳng hề đơn giản. Trẻ con có thể vô tư nhận lãnh trách nhiệm trước lỗi lầm của mình, sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả, người lớn thì không: họ tìm cách né tránh, chạy tội, dùng mọi thủ đoạn miễn sao phần thiệt không thuộc về mình. Và có lẽ còn nhiều lắm những điều khác nhau giữa trẻ con và người lớn, nhưng chúng ta không nên mang ra cán cân để mà so sánh nữa. Bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng, và người lớn luôn có những lý do riêng…


Vâng, ai cũng có những lý do để sẵn sàng bao biện cho mọi hành động của mình. Nhưng tôi không hiểu những lý do ấy có thật sự là lời giải thích chân thành? Tôi không biết, bởi tôi cũng đang có những lý do riêng cho cuộc sống của mình: những lý do chân thành lẫn ngụy tạo…


Tôi chợt thầm ước: “Giá một lần được trở lại tuổi thơ, để được nhìn đời qua lăng kính màu hồng, để thấy đời luôn trong trẻo…”. Nhưng có lẽ giấc mơ chỉ trôi qua bâng quơ trong trí óc, bởi tôi đã không còn đủ trẻ để quay về tuổi thơ lần nữa…

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Kính lạy Đức Phật...

A Di Đà Phật! Chắc Người ngồi cao trên chín tòa sen sẽ mãn nhãn lắm khi thấy chúng sinh đang hướng về Người để lầm rầm khấn vái? Chắc Người sẽ mỉm cười mãn nguyện khi nghĩ rằng họ đã “giác ngộ” trước lời răn dạy của Người! Kính lạy Đức Phật! Con là người phàm mắt thịt e không hiểu nổi những phép nhiệm màu ở chốn thần tiên, con cũng không hiểu các Ngài sẽ làm gì với những lời khấn nguyện của chúng sinh, nhưng có những điều bé nhỏ rất Con Người làm con suy nghĩ mãi…

Photobucket

Thưa Đức Phật, khắp trần gian có lẽ ai cũng biết đến ngày Vu Lan đại lễ - ngày xá tội vong nhân – ngày rằm tháng bảy. Con không rõ lắm cái tích xưa về Mục Kiền Liên, con chỉ hiểu nôm na Vu Lan là ngày Báo hiếu cho Đấng Sinh thành. Nhưng con băn khoăn quá, không biết chúng sinh ngày nay hiểu gì về ngày Vu Lan này nhỉ? Một dịp để người ta vui vẻ trẩy hội? Một ngày hội viếng chùa? Một ngày để thể hiện lòng từ bi? Con trần tục quá nên nghĩ mãi mà chưa thật sự hiểu những điều ấy, Đức Phật ạ!

Con không sùng tín, không mộ Đạo, cũng không ghét bỏ thứ gọi là tín ngưỡng. Trong mắt thiên hạ, con là đứa con gái hơi ương bướng pha chút ngang tàng, và có lẽ trong mắt Người, con cũng là một chúng sinh khó bảo? Bởi con thi thoảng cũng vãn cảnh chùa nhưng ít khi sì sụp lạy Người trong lớp thịt da bằng sứ đang tọa ngất ngưỡng nơi chánh điện. Đơn giản, con viếng chùa chỉ để tìm đến một nơi an lành thánh thiện, để con tịnh tâm và suy ngẫm chuyện đời. Nhưng, A Di Đà Phật! Người có biết không, trần gian dạo này lạ lắm, có lẽ cũng không giống cái thời mà Người còn ở hạ giới đâu nhỉ!

Con nhớ như in lần viếng chùa năm trước. Đấy là một ngôi chùa có tiếng ở TP.HCM nên ngày rằm, mồng một, khách viếng đông nườm nượp. Sùng tín có, mê tín có, a dua có, và dở dở ương ương như con cũng nhiều. Cổng chùa rộng mở, con bước vào với một chút tôn kính dành cho nơi trang nghiêm. Mùi nhang thơm tỏa ra nồng cả mũi, cay xè cả mắt. Nước mắt ròng ròng nhưng con cũng cố gạt đi để có thể len lỏi qua những đám người đang cúi đầu kính cẩn trước Người. Dạo một vòng chùa, con ngỡ ngàng khi chẳng thấy bóng sư sãi đâu cả, nhưng tiếng tụng kinh cứ vang vang phát ra từ những chiếc loa chễm chệ nơi các góc cột to đùng. Con thắc mắc và tìm được lời giải đáp khi có tiếng ai đó nói khe khẽ phía sau lưng: “Máy phát đấy, ai sức đâu mà ngồi tụng niệm cả ngày!”. A Di Đà Phật! Người có thấy trần gian cũng lắm phép màu không?


Photobucket

Nhưng con vẫn cố sức kiếm tìm cho bằng được một vị sư sãi nào đấy để an tâm rằng người ta không dùng người máy hay đại loại là một công cụ hiện đại nào khác để trông nôm nhà chùa. Trời không phụ lòng người, cuối cùng thì con cũng tìm được một người mặc áo cà sa, đầu nhẵn bóng, đang ngồi ghi ghi chép chép gì đó bên cạnh thùng từ thiện. Lạy trời, Người đừng bảo với con là ngôi chùa lớn thế này chỉ duy nhất có một sư thầy đây và duy nhất với mỗi nhiệm vụ lớn lao là… giữ thùng từ thiện!

Hơi hụt hẫng, con đành lẽo đẽo ra về. Chưa ra khỏi cổng chùa, con đã giật bắn người khi có một bàn tay đâu đó tát mạnh vào sau gáy con. Sau vài phút định thần con mới hiểu mình vừa bị giật mất sợi dây chuyền vàng. Con tặc lưỡi: xem như vừa bố thí cho chúng sinh thôi mà!

Năm nay con lại lang thang… ngoài cổng chùa, để xem chúng sinh nô nức trẩy hội Vu Lan. Con thấy ai nấy đều mang vẻ mặt đầy thánh thiện, ai nấy đều cố làm những việc rất đỗi từ bi, nhưng sao bỗng dưng con chạnh lòng quá đỗi! Lạy Phật! Con vẫn là con người của trần gian nên hay nghĩ vu vơ lắm Người ạ!

Đi chùa, dĩ nhiên ai cũng phải có nén nhang dâng lên Đức Phật để tỏ lòng thành và cũng để làn khói trắng mơ hồ mang những ước niệm đến tai đấng linh thiêng. Và dĩ nhiên cảnh chèo kéo mời mọc lại diễn ra y hệt như bao nhiêu mùa lễ Phật trước đây, con chẳng lấy gì làm lạ nữa. Nhưng tự dưng con không biết gọi đây là cổng chùa hay là chợ nữa, vì con thấy nó cũng đủ tiêu chuẩn để gọi là một cái chợ lắm chứ! Cũng kẻ bán người mua, cũng kỳ kèo mặc cả, cũng tranh mua giành bán ì xèo…


Photobucket

Thôi con không bận tâm đến cái chợ-chùa ấy nữa. Con đến đây không phải để bận tâm những điều vớ vẩn như thế. Con đang muốn tìm hiểu xem người ta làm gì vào cái ngày đại lễ này đây. Nhìn làn khói trắng nghi ngút bốc ra từ hàng trăm hàng nghìn nén nhang đang cháy sáng, cùng với vẻ mặc niệm đầy cung kính của tha nhân, con biết họ đang nghĩ đến những người thân nơi chín suối, đang cầu mong cho họ những điều tốt đẹp dưới cửu tuyền. Con thầm ngợi khen đức hiếu nghĩa của họ, nhưng chợt nhớ không biết trước khi đến đây, họ có kịp quét dọn trang hoàng lại bàn thờ cha mẹ, có kịp thắp nén nhang thơm cho người khuất mặt đỡ tủi thân nơi chín suối? Trước khi vào chùa, không biết họ có kịp ghé thăm mồ mả vong nhân để vén bụi cỏ mọc lan hay trồng thêm chậu hoa cho căn nhà mồ bớt phần hiu quạnh? Tự nhiên con thấy băn khoăn quá, thưa Đức Phật!


Photobucket

Xong phần lễ Phật, người ta kéo nhau đi mua chim phóng sinh. Những chú chim tội nghiệp, con thì nhảy nhót líu lo, con ngã liêu xiêu vì người mua cứ thả nó ra, rồi người bán lại bắt nó trở vào lồng. Trông mặt người nào cũng đầy vẻ mãn nguyện. Người mua mãn nguyện vì làm được một việc tốt: trả những chú chim vô tội về với trời xanh (họ đâu biết chính vì nhu cầu làm việc thiện ấy của họ mà bọn chúng mới bị giam cầm thế này!). Người bán thì mãn nguyện vì trong thoáng chốc đã kiếm được khối tiền lời. Hình như tất cả họ đều mãn nguyện khi bước vào cổng chùa và làm những việc họ thích… Chỉ có con là lại suy tư, Người à! Con tự nhủ: với những khoản tiền nho nhỏ mà họ bỏ ra để đổi lấy lũ chim vô tội ấy, nếu là con, con sẽ để lại trong túi mình… để không phải kỳ kèo dăm ba đồng lẻ khi mua mớ rau con cá, để con không tiếc từng đồng khi sắm sửa chiếc áo mới cho ba hay mua cho mẹ vài viên thuốc bổ. Người đừng bảo con ích kỷ, đừng bảo con không quảng đại, vì con là người phàm mắt thịt và con chỉ có tấm lòng bé nhỏ của con người!


Photobucket

Rồi người ta chen nhau đi mua vàng mã để gởi xuống tuyền đài cho người đã khuất. Nào xe máy, nào nhà lầu, nào quần nào áo… Người chết chắc là sung sướng lắm khi nhận được những món quà của lòng hiếu thảo ấy. Nhưng con lo quá, không biết họ có biết cách dùng những thứ xa xỉ ấy không, vì có thể khi còn sống họ chưa bao giờ được nhìn thấy chúng, chưa bao giờ được sờ vào chúng. Có thể lắm chứ! Có thể sinh thời họ cũng rất thèm thuồng những món ấy, nhưng vì mải lo cho con nên chẳng dám sắm sửa cho mình, hoặc vì con cái họ mải bon chen cơm áo mà quên bận tâm đến những khát khao tội nghiệp kia… Chao ôi nhân thế! Con chợt nhớ đến câu thơ (?) mà chẳng biết ai vô tình sáng tác: “Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi”.


Photobucket

Ôi nhân gian còn ngàn vạn điều làm con phải suy nghĩ, nhưng con sẽ không suy nghĩ nữa. Âu đó cũng là chuyện của đời, của thiên hạ, của tha nhân. Con là người trần mắt thịt e là không thể nào hiểu thấu. Con chỉ là hạt cát trong sa mạc-người mênh mông này, nên con chỉ biết vun vén cho những gì thuộc về mình thôi. Cha mẹ mình, anh em mình, những người thân yêu của mình… Bấy nhiêu cũng đủ để con mãn nguyện rồi, Người ạ!

Con giật mình khi cô bé lạ hoắc đến bên cạnh, đang lăm le cài lên ngực áo con một đóa hoa hồng. Con hãnh diện nhận đóa hồng đỏ thắm từ tay cô bé, và không quên đáp trả bằng hai tiếng “cảm ơn”.

Con rảo bước quay về, lòng nhẹ tênh vì vừa trút bỏ hết những âu lo trần thế. Con đang nghĩ đến đóa hoa trên ngực áo… Thưa Đức Phật, nếu Người hiển linh xin phù hộ cho Cha Mẹ con được An khang, mạnh khỏe! A Di Đà Phật…

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Những giấc mơ không thực


Nửa đêm tỉnh giấc, chị biết mình lại mơ. Những giấc mơ cứ trở đi trở lại gần mười năm nay. Giấc mơ ám ảnh trong tiềm thức chị. Giấc mơ mà chị biết không thể nào thành sự thật.


Chị mơ thấy ba trở về với gia đình chị. Vẫn dáng đi khập khiễng với cây gậy tre cũ mòn, lên màu láng bóng. Chị thấy mình đang tíu tít bên ba. Ba vẫn như xưa với ánh mắt sâu thẳm, với hàng râu cong vút uốn lượn trên môi. Chị nhớ ngày xưa, bọn chị rất nghịch, cứ vặt từng sợi râu trên mặt ba, rồi cười nắc nẻ khi ba chun mặt lại giả vờ ra vẻ đau khổ lắm. Giờ chị lại thấy mình đang ra sức kéo những sợi râu ấy, rồi phá ra cười. Hình như trong mơ cười to quá nên chị giật mình. Chị sực tỉnh. Chị biết giờ đang là nửa đêm. Và chị vừa gặp lại giấc mơ đã cũ, cũ lắm rồi…


Ba đi năm chị vừa tròn mười bảy. Thấm thoát chị đã bước gần sang tuổi ba mươi – cái tuổi có thể gọi là đã đi hết nửa đời người. Sắp hết nửa cuộc đời mà chị vẫn còn những điều ngớ ngẩn như cái tuổi mười tám đôi mươi đã trôi qua cách đây gần mười năm. Chị vẫn hay khóc hay cười trước những cảm xúc của chính mình. Chị vốn mau nước mắt. Cả nhà đều biết tính chị nên hình như cũng không chú ý lắm đến lý do những lần chị khóc. Mà cũng phải, bởi đôi khi chị khóc vì những lý do cũ rích. Như chị đã từng khóc sau những giấc mơ của mười năm qua vậy.


Chị còn nhớ như in cái ngày ba khăn gói ra đi. Ngày đó chị còn nhỏ quá, nên không hiểu ba ra đi vì lý do gì. Chỉ đọc được trong mắt ba chút thanh thản sau vẻ khắc khổ thường ngày. Còn mẹ, không rõ là buồn hay vui mà lẳng lặng gấp cho ba mấy bộ quần áo, không quên nhét vào hông giỏ xách chai dầu gió xanh và cái khăn mặt ba vẫn hay dùng. Vậy là ba đi thật. Đã hơn chục lần ba ra đi, nhưng là những chuyến đi chơi vài ngày để giải khuây. Lần này là thật rồi. Ba mang theo lỉnh kỉnh một mớ đồ. Hình như đêm trước ba và mẹ thức thật khuya để bàn bạc gì đó. Khi chị len lén nhìn vào, chỉ thấy hai người lặng im với ánh mắt đăm chiêu. Mày ba nhíu lại, hằn sâu những vệt buồn trên trán. Khuôn mặt mẹ như giãn hết cơ ra, chùng xuống trông đến thiểu não.


Cả đêm đó chị không chợp mắt. Chị thấy lo lo, vì linh cảm ba và mẹ đang giấu các con điều gì đó. Chị hồi hộp chờ trời sáng. Rồi chị bồi hồi nhớ lại buổi tối hôm trước. Đó là lần đầu tiên kể từ khi ba đổ bệnh, gia đình chị được quây quần bên nhau. Ba và mẹ ngồi bình an trên chiếc ghế dài trong phòng khách. Chị và hai đứa em nhỏ tíu tít hết ngồi vào lòng ba lại quay sang mẹ líu lo nói cười. Lúc ấy chị thấy ba mỉm cười. Mẹ cũng cười. Chị lớn nhất trong ba chị em, nên nhường cái đặc ân được ngồi vào lòng ba, lòng mẹ cho cu Tí và cái Út. Chị chen vào khoảng trống giữa ba và mẹ, hai tay quàng lấy tay hai người bên cạnh. Lặng lẽ, chị buông nụ cười hạnh phúc. Chị đang hạnh phúc thật.


Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc. Một khoảnh khắc quá ngắn ngủi cho mười năm dài đằng đẵng phía sau. Khoảnh khắc khiến chị nhớ mãi trong đời và ám ảnh vào cả những giấc mơ – những giấc mơ mà chị biết sẽ không bao giờ là sự thật.


Ba đi. Cái giỏ xách mẹ soạn cho ba hôm trước hình như quá nặng trên vai ba. Ba quàng nó vào vai phải, bên vai còn mạnh trên nửa thân người không bị liệt. Còn nửa kia chỉ ngoan ngoãn nhấc theo một cách khó khăn. Cái gậy tre ba cầm bên tay phải, nhịp nhàng theo những bước chân. Chị đứng bần thần nhìn ba từ phía sau. Trông ba cứ như là đang đi bằng ba chân vậy, vừa lạ vừa làm chị nhói lòng.


Chiếc xe ôm chở ba chạy khuất xa dần, xa dần. Chị ngóng theo. Hai đứa nhỏ ngóng theo. Mẹ đứng sau chái bếp, một tay cầm bao thuốc lá ba để quên, một tay vin vào cánh cửa như sợ ngã. Ba đi rồi. Nhà chị vắng teo, lặng ngắt không tiếng nói. Một người đàn bà và ba đứa trẻ - rồi đây, chị biết, gia đình chị sẽ phải sống khác đi nhiều…


Chị bắt đầu những ngày tháng không có cha. Căn nhà vắng bóng đàn ông hình như lạnh hơn. Không còn mùi thuốc lá hăng hắc nồng từng làm chị khó chịu. Mẹ không còn càu nhàu mỗi khi huơ chổi lùa từng đám tàn thuốc rơi vãi trên sàn nhà. Nhà vắng teo. Ba chị em thay nhau đến trường. Mẹ vắng nhà nhiều hơn, vì gánh hàng mẹ bán hình như đầy hơn một chút, nặng hơn một chút. Đương nhiên rồi – bởi mẹ đã trở thành trụ cột gia đình. Gánh nặng cơm áo, học hành cho ba đứa con, ba đã trao lại mẹ. Có lúc chị sợ mẹ gánh không nổi nữa, vì sức người đàn bà sắp bước sang tuổi năm mươi có lẽ không còn đủ mạnh để gánh trên vai gánh nặng của cả một gia đình với đám con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bọn chị đang ở vào cái tuổi vô lo. Chị lớn nhất cũng chưa học hết cấp ba. Không biết hai đứa em có hiểu thấu những nhọc nhằn của mẹ không, riêng chị thì rất hiểu. Hiểu nhiều lắm, nhưng không làm được gì. Chị mới mười bảy tuổi. Và chị được đặt lên vai trọng trách nặng nề: phải cố học cho thành tài, để sau này không phải khổ như mẹ! Đó là lời dặn dò mà mẹ lặp đi lặp lại đến nỗi chị thuộc lòng từng lời. Chị thương mẹ. Chị cố gắng học thật nhiều, thật nhiều…


Chị vào đại học. Gánh nặng oằn vai mẹ nhiều hơn. Dạo đó chị cũng vừa phát hiện lưng mẹ hơi cong cong, nhưng không hiều vì năm tháng hay vì đôi quang gánh cuộc đời đã đè nặng lên vai. Mẹ vẫn một mình lo cho ba đứa con thơ đang mỗi ngày một lớn. Có lúc chị thoáng nghĩ đến ba, chị ao ước giá mà có ba ở nhà để sẻ chia với mẹ, dù chỉ là sẻ chia trong tinh thần. Nhưng ba vẫn bặt tăm. Chị hỏi mẹ về ba. Mẹ chỉ buồn buồn: “ Ba con cần có cuộc sống riêng để ông ấy thoải mái tinh thần. Sống ở nhà chật vật quá, lại phải lo lắng cho tụi con, mà ổng bệnh nữa, có lo được gì đâu. Ở nhà chỉ thêm buồn…”. “Nhưng mấy năm rồi sao ba không về thăm tụi con hả mẹ?”. Mắt mẹ đượm buồn, xa xăm: “Ba con bệnh, đi lại khó khăn. Các con lớn một chút rồi qua thăm ba, lo cho ba bây…”. Mẹ lặng im suy nghĩ. Chị không hiểu mẹ nghĩ gì, chỉ thấy nhớ ba kinh khủng.


Gần mười năm rồi, có bao giờ chị không nhớ ba. Nhưng chị không dám nói, không dám kể với ai. Chị sợ mẹ buồn, chị sợ mẹ phải giấu những nỗi đau vào lòng. Vậy là chị ôm nỗi nhớ một mình. Chị đem nỗi nhớ vào những giấc mơ. Những giấc mơ cứ trở đi trở lại trong niềm khát khao tột cùng của chị. Chị mong ba lại trở về. Chị mong mái nhà lại có ba như ngày xưa. Chị mong mỗi sáng thức dậy lại thấy ba ngồi lắt lẻo trên võng hút thuốc, chốc chốc lại huơ cây gậy đuổi mấy con gà ngỗ ngáo đang chực chạy vào nhà. Chị chỉ mong thế thôi. Niềm mong ước quá nhỏ bé và giản dị nhưng chị biết sẽ không bao giờ thành sự thật. Chị biết đằng sau lời giải thích của mẹ luôn ẩn chứa những nỗi niềm được giấu che rất kỹ. Hay “chuyện người lớn” luôn rắc rối và khó hiểu hơn chị nghĩ? Chị cũng không muốn tìm hiểu nữa. Chị chỉ biết khát khao của mình là vô vọng, bởi mẹ và ba không bao giờ hiểu được giấc mơ thầm kín của chị. Chị vẫn không dám kể ai nghe về giấc mơ của mình…


Đêm nay chị lại mơ. Chị lại thấy ba và cây gậy tre đầu cong cong, bóng loáng màu năm tháng. Ba đang chống gậy, khập khiễng bước ra sau nhà đuổi lũ gà phá phách. Bỗng chân ba vướng vào hòn gạch nhỏ, người ba chao đảo, luống cuống chực ngã. Chị bổ nhào đến bên ba, ôm lấy ba, cố hết sức níu ba lại cho khỏi ngã. Hai chân quẫy đạp như cố chạy làm chị giật mình. Chị biết mình lại mơ. Chị đưa tay kéo xịch chiếc gối đã lệch khỏi đầu, chợt thấy ươn ướt. Hình như chị khóc. Có lẽ chị khóc từ trong giấc mơ, khóc vì thương ba. Rồi chị khóc thật. Nước mắt lăn nóng hổi từ khóe mắt, đi qua gò má rồi đổ dồn về phía tai, thấm xuống gối. Lần này chị khóc vì thương mẹ, thương chị, và thương cả giấc mơ không bao giờ thực.


Chị trở mình, thiêm thiếp ngủ để lại gặp những giấc mơ. Nếu không thể là hiện thực thì chị sẽ sống trong mơ. Ít ra, lúc đêm về, trong những cơn mộng mị, chị sẽ được sống lại cái cảm giác có ba ở trong nhà.


Đêm 13/08/08