Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Công chúa rừng xanh

“Công chúa rừng xanh” – ba mẹ gọi cô như vậy. Mấy người làm đồng thường qua lại nhà cô cũng gọi như vậy. Cô thích lắm. Bởi qua cái màn ảnh tivi nhỏ xíu mà cô hay xem những vở tuồng cải lương, cô biết được gọi là “công chúa” thì sẽ đẹp lắm, đáng yêu lắm. Ngày còn con nít, mỗi khi được gọi như vậy, cô luôn phỗng mũi lên cười, díp cả hai mắt lại. Bây giờ đã ngót nghét hai lăm, cô không còn là con nít, nhưng mỗi lần có ai đó gọi cô bằng cái cách quen thuộc ấy, cô lại cười. Nụ cười có chút duyên thiếu nữ.

Photobucket

Cô lớn lên ở đây đã được mười tám năm, kể từ khi ba mẹ cô làm ăn thất bại, gia đình dời về đây và lập nghiệp với gia tài là căn chòi tranh và hai bàn tay trắng. Cô chia tay trường lớp từ đó, và làm quen với cánh đồng này, con suối này, cả ngọn đồi xanh ngát phía sau nhà nữa. Cô yêu tất cả những thứ ấy, như yêu cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ, như yêu bầy gà con chiu chíp và mấy con trâu đen trui trũi kia. Cô lớn lên bằng hạt lúa trên đồng, bằng mớ rau sau nhà, bằng nắm lá giang trong rừng. Tất cả những thứ ấy gắn với cô như máu với thịt, như lúa với nước, như lũ chim với cái tổ lắt lẻo trên cây mà cô vẫn thấy…

Đồng lúa và rừng xanh nuôi cô lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy chốc cô đã thành thiếu nữ. Không sắc nước hương trời nhưng thân hình tròn trịa, làn da trắng tự nhiên và nụ cười vô tư lự khiến cô trông cứ xinh đẹp phơi phới. Chỉ tiếc là chẳng có ai ngắm nhìn để mà khen ngợi cho nhan sắc của cô. Quanh đi quẩn lại, chỉ có ba mẹ nhìn ngắm đứa con gái tuổi xuân thì rồi nhìn nhau tặc lưỡi như luyến tiếc cho tuổi xuân trôi qua trong thầm lặng. Cũng phải, bởi ngoài mấy cô bác nông dân sáng sáng vác cuốc ra đồng đi ngang nhà chào í ới vài câu thì chẳng ai ghé đến chốn thâm sơn cùng cốc này. Xung quanh nhà cô, nếu đi một vòng xa thật xa cũng khó mà tìm thấy ngôi nhà thứ hai. Nơi đây vốn dĩ là rừng, ba mẹ cô khai phá rồi dựng lên căn chòi, vừa để ở vừa tiện cày cấy mấy đám ruộng phía trước.

Sống lâu dần trong cảnh vắng người, cô cũng đâm ra khù khờ, lặng lẽ, và hình như hơi ngớ ngẩn một chút. Cô vốn ít nói từ nhỏ, càng lớn càng trở nên lẳng lặng. Mà có muốn nói, cô cũng không biết phải nói với ai, nói cái gì. Ba mẹ cô tối mặt tối mũi với mấy đám ruộng quanh năm xanh lúa. Người qua đường thì chỉ vài câu chào hỏi xã giao mà cô đã thuộc lòng: “Ăn cơm chưa”, “đang làm gì đó”... Làm bạn với cô từ nhỏ có lẽ chỉ mấy con trâu và lũ gà. Giá mà chúng cũng biết nói hoặc biết nghe thì cô đỡ phải lủi thủi một mình. Nhưng chúng chỉ biết nghe cô la mắng, quát tháo bằng những mệnh lệnh chỉ dành cho thú vật. Thế nhưng đôi lúc buồn quá, cô cũng lầm bầm nói chuyện với mấy con trâu già, mặc cho chúng có nghe có hiểu hay không. Như vậy còn đỡ buồn hơn là phải lầm bầm một mình hay phải để cái ý nghĩ trong đầu. Lâu dần thành quen, cô hay nói chuyện với mấy con trâu, thỉnh thoảng lại bật cười vì một câu nói hay một ý nghĩ gì bật ra trong đầu. Có người đi ngang thấy cô lầm bầm, ban đầu tưởng cô đang trò chuyện với ai, sau để ý mới biết cô nói với lũ trâu. Họ rỉ tai nhau rằng cô ngẩn ngơ. Mặc kệ. Họ đâu biết, với cô, nói chuyện cùng thú vật còn thú vị hơn việc đáp trả những câu chào hỏi máy móc cũ rích vô nghĩa của họ. Chỉ có ba mẹ cô là lo lo trong bụng. Họ sợ năm tháng đánh cắp mất thì con gái của cô. Họ muốn cho cô ra xóm làng tìm việc gì để làm, vừa tập cho cô biết sống tự lập, vừa giúp cô được tiếp xúc với con người, để còn có cơ hội kiếm một tấm chồng, sinh một lũ con. Ba mẹ cô chỉ mong như thế để họ an tâm khi tuổi về chiều. Nhưng cô nhất quyết không chịu, dù chỉ một bước chân xuống làng cũng không. Cô quen với rừng xanh, quen làm bạn cùng lũ trâu, quen đi hái măng rừng, múc nước suối… Cô quen những thứ thân thuộc ấy. Và cô cũng sợ gặp người lạ nữa. Cô chỉ muốn làm công chúa rừng xanh.

Đất ở đây giờ đã không còn là đất hoang. Người ta chia nhau khai phá, rồi đăng ký quyền sử dụng và nhanh chóng sang tay thương lái để kiếm những khoản tiền kha khá. Bên cạnh nhà cô người ta đang ủi nháo nhào mấy bụi cây rừng. Nghe đâu họ về đây xây dựng nhà máy gạch ngói gì đó. Cả một góc rừng xôn xao hẳn lên vì mấy chục người dựng lều trại để thực hiện cái công trình ấy. Họ lân la sang nhà cô nhờ nấu giúp bữa cơm trưa cho anh em thợ hồ, thợ máy. Cũng chẳng vất vả là mấy, lại thêm vui nhà vui cửa nên mẹ cô ưng thuận gật đầu. Thế là ngày nào nhà cô cũng rộn rịp tiếng cười nói của đám thanh niên trẻ măng, chắc đều trạc tuổi cô cả. Thấy nhà có con gái, trông cũng đáng yêu, lại hiền, nên mấy anh thi nhau chòng ghẹo, khiến cô đỏ mặt như trái gấc chín muồi. Được vài hôm cô cũng quen dần, không thẹn nữa. Nhưng cô chẳng bao giờ dám hé răng bắt chuyện một câu. Vốn không quen giao tiếp, lại kiệm lời, cô không biết phải nói gì, chỉ cười trừ mỗi khi ai đó hỏi thăm hay trêu đùa.

Thanh là thợ lái máy ủi, kiêm luôn quản lý nhóm người làm công trình này. Không đẹp trai nhưng thân hình vạm vỡ và cái miệng nói chuyện duyên ơi là duyên nên Thanh có vẻ nổi trội trong đám thanh niên ấy. Ba mẹ cô cũng rất thích chàng trai nói tiếng bắc trọ trẹ này. Thích thế thôi, chứ nghĩ đến có một chàng rể như thế có lẽ là họ không dám. Lanh lẹ như anh ta thì phải tìm một cô vợ vừa đẹp vừa duyên, vừa khôn ngoan lại vừa biết ăn nói, chứ như cô thì chắc không đời nào dám mơ tưởng đến.

Không biết cô có mơ tưởng gì không, nhưng vẫn thấy cô ít nói và chẳng bao giờ bắt chuyện với ai. Còn Thanh, có lẽ tính vốn xởi lởi nên hết chuyện trò với ba mẹ cô, lại lẽo đẽo theo cô cười cười nói nói. Có hôm anh theo cô đi thả trâu, đi giặt đồ dưới suối, đi hái lá giang trên bìa rừng. Cô làm gì anh cũng bắt tay làm cùng. Ngượng chín cả người nhưng cô chẳng thể từ chối vì anh nhiệt tình quá. Rồi anh bắt chuyện hỏi han đủ thứ. Ban đầu chỉ cười trừ, sau thấy im lặng mãi cũng kỳ nên cô trả lời lấy lệ. Mà phải công nhận là anh ăn nói duyên hết sức. Anh khiến cô cười nhiều hơn, nói nhiều hơn. Những câu chuyện cứ dài ra, dài ra mãi… Có hôm mải nói chuyện mà cô quên cả thả trâu ra đồng, quên cả nồi cá đang kho trên bếp. Hôm nào cô cũng mong đến giờ ăn trưa để lại được trò chuyện với anh, rồi lại mong mặt trời lặn nhanh xuống chân đồi để anh sang nhà uống nước, nói chuyện tầm phào đến khuya lắc khuya lơ. Cô cũng hay thấy anh trong giấc mơ của mình nữa. Khi thì anh cùng cô giặt đồ, khi lại thấy anh nắm tay cô đi trên triền đồi. Những lúc ấy, cô lại giật mình thức giấc, rồi vu vơ mỉm cười. Cô không rõ mình cười vì điều gì nữa.

Thời gian trôi đi nhanh quá, cô vừa kịp quen với việc có anh trò chuyện thì anh sắp phải ra đi. Công trình đã hoàn thành, chỉ chờ bàn giao là bọn anh cuốn lều để nhận một công trình khác. Cô lo lắng nghĩ đến lúc mình phải trò chuyện với mấy con trâu già chỉ vểnh tai nghe mà không hề biết nói. Tự nhiên cô thấy chán ngắt cái đám trâu, lũ gà vì chúng chẳng bao giờ biết trêu để cô cười. Lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy lo nhiều như vậy. Cô lo thì lo, anh vẫn phải đi. Ngày mai đã là ngày cuối cùng anh ở lại xóm núi heo hắt này. Vậy là chỉ còn hôm nay cô được trò chuyện, được dung dăng cùng anh đi hái rau rừng, đi thả bầy trâu.

Tay bưng rổ lá giang, cô cố tỏ ra bình thản dù biết rằng chân mình muốn run bắn lên, tay thì quờ quạng mà chẳng hái nổi cái lá giang bé xíu xiu vắt vẻo trong lùm kia. Cô muốn nói với anh nhiều lắm, muốn dặn dò anh đủ thứ, muốn anh đừng quên cô… nhưng cô như ăn phải thứ thuốc độc làm lưỡi cứng đơ, môi cố mở ra mà lại càng khép chặt lại hơn. Hình như cô sắp khóc. Chưa kịp để giọt nước mắt đầu tiên rơi trên khóe mi cô, anh đã mạnh dạn đưa bàn tay rắn chắc đen sạm nắm lấy tay cô. Cô toan rụt lại, nhưng lại thôi. Bỗng dưng cô sợ mất cánh tay này quá. Cô sợ, nên chỉ lặng thinh mặc cho tay anh siết ngày càng chặt hơn. Làn hơi ấm trên người anh lan sang người cô, hơi thở anh phà vào mặt cô nóng hổi. Cô lặng người đi, vừa vì bất ngờ, vừa vì xúc động. Anh thỏ thẻ gì đó vào tai, nhưng tai cô đã ù đi, chỉ còn nghe loáng thoáng hình như là anh bảo anh yêu cô, bảo rằng cô hãy đợi anh về cưới cô làm vợ. Anh nói nhiều lắm, nhưng cô thì chỉ gật đầu lia lịa mà không hiểu mình gật đầu vì điều gì nữa. Đột ngột, anh ôm cô vào lòng, ghì chặt như thể sợ mất cô. Cô thoáng sợ khi lần đầu tiên bàn tay đàn ông ôm lấy cơ thể nóng hổi của mình. Nhưng cô không phản kháng, không hiểu vì bản năng hay vì tình yêu, cô đưa tay ra sau lưng anh, ôm chặt. Nắng chiều ngả xuống xiên xiên qua đám lá rừng. Môi anh nóng hổi áp vào môi cô. Cô sắp tan chảy ra trước những điều mới mẻ, quá mới mẻ… Anh dìu cô ngồi xuống, tựa lưng vào gốc dầu to. Lá rừng dưới chân xào xạc…

Anh ra đi đã hơn ba tháng. Cái bụng cô cũng lúp xúp căng lên sau làn áo mỏng. Vậy là ba mẹ cô sắp có cháu ngoại, dù chưa có một chàng rể nào và cũng không có cái lễ trầu cau cho đỡ tủi mày tủi mặt. Dù biết rõ mồn một cha đứa bé là ai, nhưng ông bà không nhắc môt lời nào, và cũng chẳng nỡ quở trách con gái hư thân hay dại dột. Còn cô, với niềm tin mãnh liệt vào anh, với tình thương vô hình dành cho cái bào thai đang thành hình, cô thấy đời mình phơi phới đẹp. Cô hết lầm lỳ, hết nói chuyện với trâu. Cô chuyển sang nói chuyện với con – đứa con vẫn còn trong bụng mẹ mà cô chưa biết là trai hay gái. Rồi cô mơ màng nghĩ đến lúc sẽ sinh ra đứa trẻ giống hệt mình, hay giống hệt anh. Cô sẽ đặt tên nó thế nào nhỉ? Nếu là con gái, cô sẽ gọi là công chúa rừng xanh, giống ba mẹ đã gọi cô vậy. Nếu là con trai? Cô nghĩ mãi mà chưa biết phải đặt tên gì. May mắn cho cô, đứa con vừa hạ sinh giống cô như đúc, là một đứa con gái. Vậy là đã có một công chúa rừng xanh con cho cô ẵm bồng để chờ ngày anh trở lại. Dù ngày đó cô không biết là xa hay gần…

Con gái cô đã biết đi, biết nói. Hai mẹ con cô chuyện trò bi bô suốt cả ngày. Vậy là đã có người cười với cô, đùa với cô… Nhưng cô vẫn không quên ngóng ra ngõ mỗi ngày để chờ đợi anh thực hiện cái điều anh đã hứa: sẽ trở lại và cưới cô làm vợ. Cô đã trông như thế hơn ba năm ròng. Cô tin là anh sẽ về. Cô truyền niềm tin ấy cho con, để chiều chiều hai mẹ con lại thơ thẩn đi dọc con đường xanh màu cỏ, thơ thẩn nhìn hoàng hôn buông xuống, rồi lẽo đẽo kẻ trước người sau quay về căn nhà nhỏ cheo leo nơi vách rừng…