Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Những giấc mơ không thực


Nửa đêm tỉnh giấc, chị biết mình lại mơ. Những giấc mơ cứ trở đi trở lại gần mười năm nay. Giấc mơ ám ảnh trong tiềm thức chị. Giấc mơ mà chị biết không thể nào thành sự thật.


Chị mơ thấy ba trở về với gia đình chị. Vẫn dáng đi khập khiễng với cây gậy tre cũ mòn, lên màu láng bóng. Chị thấy mình đang tíu tít bên ba. Ba vẫn như xưa với ánh mắt sâu thẳm, với hàng râu cong vút uốn lượn trên môi. Chị nhớ ngày xưa, bọn chị rất nghịch, cứ vặt từng sợi râu trên mặt ba, rồi cười nắc nẻ khi ba chun mặt lại giả vờ ra vẻ đau khổ lắm. Giờ chị lại thấy mình đang ra sức kéo những sợi râu ấy, rồi phá ra cười. Hình như trong mơ cười to quá nên chị giật mình. Chị sực tỉnh. Chị biết giờ đang là nửa đêm. Và chị vừa gặp lại giấc mơ đã cũ, cũ lắm rồi…


Ba đi năm chị vừa tròn mười bảy. Thấm thoát chị đã bước gần sang tuổi ba mươi – cái tuổi có thể gọi là đã đi hết nửa đời người. Sắp hết nửa cuộc đời mà chị vẫn còn những điều ngớ ngẩn như cái tuổi mười tám đôi mươi đã trôi qua cách đây gần mười năm. Chị vẫn hay khóc hay cười trước những cảm xúc của chính mình. Chị vốn mau nước mắt. Cả nhà đều biết tính chị nên hình như cũng không chú ý lắm đến lý do những lần chị khóc. Mà cũng phải, bởi đôi khi chị khóc vì những lý do cũ rích. Như chị đã từng khóc sau những giấc mơ của mười năm qua vậy.


Chị còn nhớ như in cái ngày ba khăn gói ra đi. Ngày đó chị còn nhỏ quá, nên không hiểu ba ra đi vì lý do gì. Chỉ đọc được trong mắt ba chút thanh thản sau vẻ khắc khổ thường ngày. Còn mẹ, không rõ là buồn hay vui mà lẳng lặng gấp cho ba mấy bộ quần áo, không quên nhét vào hông giỏ xách chai dầu gió xanh và cái khăn mặt ba vẫn hay dùng. Vậy là ba đi thật. Đã hơn chục lần ba ra đi, nhưng là những chuyến đi chơi vài ngày để giải khuây. Lần này là thật rồi. Ba mang theo lỉnh kỉnh một mớ đồ. Hình như đêm trước ba và mẹ thức thật khuya để bàn bạc gì đó. Khi chị len lén nhìn vào, chỉ thấy hai người lặng im với ánh mắt đăm chiêu. Mày ba nhíu lại, hằn sâu những vệt buồn trên trán. Khuôn mặt mẹ như giãn hết cơ ra, chùng xuống trông đến thiểu não.


Cả đêm đó chị không chợp mắt. Chị thấy lo lo, vì linh cảm ba và mẹ đang giấu các con điều gì đó. Chị hồi hộp chờ trời sáng. Rồi chị bồi hồi nhớ lại buổi tối hôm trước. Đó là lần đầu tiên kể từ khi ba đổ bệnh, gia đình chị được quây quần bên nhau. Ba và mẹ ngồi bình an trên chiếc ghế dài trong phòng khách. Chị và hai đứa em nhỏ tíu tít hết ngồi vào lòng ba lại quay sang mẹ líu lo nói cười. Lúc ấy chị thấy ba mỉm cười. Mẹ cũng cười. Chị lớn nhất trong ba chị em, nên nhường cái đặc ân được ngồi vào lòng ba, lòng mẹ cho cu Tí và cái Út. Chị chen vào khoảng trống giữa ba và mẹ, hai tay quàng lấy tay hai người bên cạnh. Lặng lẽ, chị buông nụ cười hạnh phúc. Chị đang hạnh phúc thật.


Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc. Một khoảnh khắc quá ngắn ngủi cho mười năm dài đằng đẵng phía sau. Khoảnh khắc khiến chị nhớ mãi trong đời và ám ảnh vào cả những giấc mơ – những giấc mơ mà chị biết sẽ không bao giờ là sự thật.


Ba đi. Cái giỏ xách mẹ soạn cho ba hôm trước hình như quá nặng trên vai ba. Ba quàng nó vào vai phải, bên vai còn mạnh trên nửa thân người không bị liệt. Còn nửa kia chỉ ngoan ngoãn nhấc theo một cách khó khăn. Cái gậy tre ba cầm bên tay phải, nhịp nhàng theo những bước chân. Chị đứng bần thần nhìn ba từ phía sau. Trông ba cứ như là đang đi bằng ba chân vậy, vừa lạ vừa làm chị nhói lòng.


Chiếc xe ôm chở ba chạy khuất xa dần, xa dần. Chị ngóng theo. Hai đứa nhỏ ngóng theo. Mẹ đứng sau chái bếp, một tay cầm bao thuốc lá ba để quên, một tay vin vào cánh cửa như sợ ngã. Ba đi rồi. Nhà chị vắng teo, lặng ngắt không tiếng nói. Một người đàn bà và ba đứa trẻ - rồi đây, chị biết, gia đình chị sẽ phải sống khác đi nhiều…


Chị bắt đầu những ngày tháng không có cha. Căn nhà vắng bóng đàn ông hình như lạnh hơn. Không còn mùi thuốc lá hăng hắc nồng từng làm chị khó chịu. Mẹ không còn càu nhàu mỗi khi huơ chổi lùa từng đám tàn thuốc rơi vãi trên sàn nhà. Nhà vắng teo. Ba chị em thay nhau đến trường. Mẹ vắng nhà nhiều hơn, vì gánh hàng mẹ bán hình như đầy hơn một chút, nặng hơn một chút. Đương nhiên rồi – bởi mẹ đã trở thành trụ cột gia đình. Gánh nặng cơm áo, học hành cho ba đứa con, ba đã trao lại mẹ. Có lúc chị sợ mẹ gánh không nổi nữa, vì sức người đàn bà sắp bước sang tuổi năm mươi có lẽ không còn đủ mạnh để gánh trên vai gánh nặng của cả một gia đình với đám con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bọn chị đang ở vào cái tuổi vô lo. Chị lớn nhất cũng chưa học hết cấp ba. Không biết hai đứa em có hiểu thấu những nhọc nhằn của mẹ không, riêng chị thì rất hiểu. Hiểu nhiều lắm, nhưng không làm được gì. Chị mới mười bảy tuổi. Và chị được đặt lên vai trọng trách nặng nề: phải cố học cho thành tài, để sau này không phải khổ như mẹ! Đó là lời dặn dò mà mẹ lặp đi lặp lại đến nỗi chị thuộc lòng từng lời. Chị thương mẹ. Chị cố gắng học thật nhiều, thật nhiều…


Chị vào đại học. Gánh nặng oằn vai mẹ nhiều hơn. Dạo đó chị cũng vừa phát hiện lưng mẹ hơi cong cong, nhưng không hiều vì năm tháng hay vì đôi quang gánh cuộc đời đã đè nặng lên vai. Mẹ vẫn một mình lo cho ba đứa con thơ đang mỗi ngày một lớn. Có lúc chị thoáng nghĩ đến ba, chị ao ước giá mà có ba ở nhà để sẻ chia với mẹ, dù chỉ là sẻ chia trong tinh thần. Nhưng ba vẫn bặt tăm. Chị hỏi mẹ về ba. Mẹ chỉ buồn buồn: “ Ba con cần có cuộc sống riêng để ông ấy thoải mái tinh thần. Sống ở nhà chật vật quá, lại phải lo lắng cho tụi con, mà ổng bệnh nữa, có lo được gì đâu. Ở nhà chỉ thêm buồn…”. “Nhưng mấy năm rồi sao ba không về thăm tụi con hả mẹ?”. Mắt mẹ đượm buồn, xa xăm: “Ba con bệnh, đi lại khó khăn. Các con lớn một chút rồi qua thăm ba, lo cho ba bây…”. Mẹ lặng im suy nghĩ. Chị không hiểu mẹ nghĩ gì, chỉ thấy nhớ ba kinh khủng.


Gần mười năm rồi, có bao giờ chị không nhớ ba. Nhưng chị không dám nói, không dám kể với ai. Chị sợ mẹ buồn, chị sợ mẹ phải giấu những nỗi đau vào lòng. Vậy là chị ôm nỗi nhớ một mình. Chị đem nỗi nhớ vào những giấc mơ. Những giấc mơ cứ trở đi trở lại trong niềm khát khao tột cùng của chị. Chị mong ba lại trở về. Chị mong mái nhà lại có ba như ngày xưa. Chị mong mỗi sáng thức dậy lại thấy ba ngồi lắt lẻo trên võng hút thuốc, chốc chốc lại huơ cây gậy đuổi mấy con gà ngỗ ngáo đang chực chạy vào nhà. Chị chỉ mong thế thôi. Niềm mong ước quá nhỏ bé và giản dị nhưng chị biết sẽ không bao giờ thành sự thật. Chị biết đằng sau lời giải thích của mẹ luôn ẩn chứa những nỗi niềm được giấu che rất kỹ. Hay “chuyện người lớn” luôn rắc rối và khó hiểu hơn chị nghĩ? Chị cũng không muốn tìm hiểu nữa. Chị chỉ biết khát khao của mình là vô vọng, bởi mẹ và ba không bao giờ hiểu được giấc mơ thầm kín của chị. Chị vẫn không dám kể ai nghe về giấc mơ của mình…


Đêm nay chị lại mơ. Chị lại thấy ba và cây gậy tre đầu cong cong, bóng loáng màu năm tháng. Ba đang chống gậy, khập khiễng bước ra sau nhà đuổi lũ gà phá phách. Bỗng chân ba vướng vào hòn gạch nhỏ, người ba chao đảo, luống cuống chực ngã. Chị bổ nhào đến bên ba, ôm lấy ba, cố hết sức níu ba lại cho khỏi ngã. Hai chân quẫy đạp như cố chạy làm chị giật mình. Chị biết mình lại mơ. Chị đưa tay kéo xịch chiếc gối đã lệch khỏi đầu, chợt thấy ươn ướt. Hình như chị khóc. Có lẽ chị khóc từ trong giấc mơ, khóc vì thương ba. Rồi chị khóc thật. Nước mắt lăn nóng hổi từ khóe mắt, đi qua gò má rồi đổ dồn về phía tai, thấm xuống gối. Lần này chị khóc vì thương mẹ, thương chị, và thương cả giấc mơ không bao giờ thực.


Chị trở mình, thiêm thiếp ngủ để lại gặp những giấc mơ. Nếu không thể là hiện thực thì chị sẽ sống trong mơ. Ít ra, lúc đêm về, trong những cơn mộng mị, chị sẽ được sống lại cái cảm giác có ba ở trong nhà.


Đêm 13/08/08

Không có nhận xét nào: